EU yêu cầu Tây Ban Nha thực hiện các biện pháp cần thiết để chấm dứt các hành vi gian lận trong ngành cá ngừ sau một loạt các vụ ngộ độc xảy ra khắp châu Âu có liên quan tới sử dụng cá ngừ tươi từ Tây Ban Nha. Hai vấn đề cần giải quyết ngay là việc tiêm phụ gia vào cá ngừ rã đông để trông tươi hơn và việc bán yellowfin với mác bluefin.
Theo một nghiên cứu của EC, có khoảng 25.000 tấn cá ngừ gian lận có mặt trên thị trường mỗi năm, với doanh thu khoảng 200 triệu EUR. Cá ngừ tươi và rã đông từ Tây Ban Nha đã gây ra ngộ độc thực phẩm tại Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italia và Bồ Đào Nha trong thời gian gần đây. Nguyên nhân được cho là do hàm lượng histamin cao.
7 nhân viên của công ty cá ngừ Garciden hiện đang bị điều tra liên quan đến sự bùng phát histamin. Công ty bị nghi ngờ gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng và làm sai lệch hồ sơ.
EC nhấn mạnh rằng nếu cá ngừ không được cấp đông dưới -9oC, quá trình rã đông sẽ tạo ra hàm lượng histamin cao. Có một thực tế là, cá ngừ chất lượng không tốt có thể lại được tiêm chất chiết xuất củ cải đỏ để nguy trang. Tuy nhiên, nếu được cấp đông ở nhiệt độ -18oC hoặc thấp hơn, cá ngừ có thể được bán như cá tươi.
Ngoài ra, theo EU, yellowfin giá thấp đôi khi được tiêm chất chiết xuất thực vật, như nước củ cải đỏ, làm cho màu sắc đỏ hơn, giống với màu bluefin, trong khi che dấu sự phân hủy và oxy hóa. Trong một số trường hợp, yellowfin được bán dưới mác bluefin để thu lợi nhuận cao hơn.
EC yêu cầu Tây Ban Nha áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng này. EC sẽ thực hiện một đợt đánh giá tại Tây Ban Nha vào tháng 10 tới để xem xét tính hiệu quả của việc kiểm soát và các biện pháp khắc phục.
Hiệp hội thủy sản Tây Ban Nha tuyên bố yêu cầu của EU không áp dụng cho đồ hộp mà chỉ là sản phẩm cá ngừ tươi và rã đông.
(Theo Atuna)